Ly hôn là điều không ai mong muốn khi đã bước vào một mối quan hệ hôn nhân mặc dù đã cố gắng nhưng không thể níu giữ được hạnh phúc gia đình. Khi ly hôn, ngoài tranh chấp về tài sản thì quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng cũng được xem là một dạng tranh chấp phổ biến của nhiều cặp vợ chồng. Vậy pháp luật quy định như thế nào về quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn?

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014Theo đó, Tòa án là Cơ quan tài phán có thẩm quyền giải quyết, chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định nhằm đảm bảo cho quá trình giải quyết ly hôn được công bằng và đúng theo quy định pháp luật.

1. Quy định của pháp luật về quyền nuôi con của cha mẹ sau ly hôn

Theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, quyền nuôi con sau ly hôn được quy định như sau:

- Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn giữ quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, và giáo dục con khi chưa thành niên ,con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình;

- Vợ và chồng có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trong trường hợp thỏa thuận không thành thì Tòa án sẽ quyết định người nào sẽ trực tiếp nuôi con, dựa trên quyền lợi ở mọi mặt của con. Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con;

- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ để trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, và giáo dục con hoặc nếu cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Điều này được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 như sau:

Thứ nhất, xem xét “quyền lợi về mọi mặt của con” phải được đánh giá khách quan, toàn diện qua các tiêu chí:

1. Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;

2. Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;

3. Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;

4. Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;

5. Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;

6. Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;

7. Nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.

Thứ hai, Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên phải bảo đảm các yêu cầu sau:

1. Bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, độ tuổi, mức độ trưởng thành để con có thể bày tỏ đúng và đầy đủ ý kiến của mình;

2.  Không lấy ý kiến trước mặt cha, mẹ để tránh gây áp lực tâm lý cho con;

3.  Không ép buộc, không gây áp lực, căng thẳng cho con.

Thứ ba, Người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” được hiểu là người mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

Ví dụ: Trường hợp người mẹ bị đột quỵ và liệt nửa người, không còn khả năng đi lại thì Tòa án không giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

2. Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

3. Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Tuy nhiên, trong trường hợp điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người cha không tốt hơn điều kiện của người mẹ như nêu trên thì Tòa án quyết định giao con cho mẹ trực tiếp nuôi.

Như vậy, quyền nuôi con sau khi ly hôn sẽ được khuyến khích và ưu tiên để cha mẹ thỏa thuận. Trường hợp, cha mẹ không tự thỏa thuận được thì Tòa án căn cứ vào các điều kiện mà pháp luật quy định để xem xét giao con cho ai trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng sau khi ly hôn để nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của con, cho con được sống và phát triển trong môi trường tốt nhất.

2. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ cho con sau ly hôn

Tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia Đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ cho con như sau:

Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”

Lưu ý:

- “Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi” theo quy định tại Điều 21 Bộ luật dân sự năm 2015.

- “Người không có khả năng lao động” là người bị thiệt hại do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên và cần có người thường xuyên chăm sóc theo quy định tại tiểu mục 1.4 mục 1 Phần II của Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Như vậy, việc cấp dưỡng cho con sau ly hôn được coi là nghĩa vụ của cha, mẹ do pháp luật quy định, và là trách nhiệm của người cha, người mẹ đối với con mình. Việc này nhằm giúp cho con cái đảm bảo được cuộc sống sau cuộc hôn nhân tan vỡ của cha, mẹ. Mặt khác giúp hỗ trợ cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi con giảm phần nào gánh nặng khi một mình bươn chải nuôi con khôn lớn.

3. Pháp luật quy định về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng

- Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

- Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được cấp dưỡng, pháp luật cũng đã ghi nhận một số biện pháp và chế tài xử lý nhằm cưỡng chế, răn đe người có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, đảm bảo cho nghĩa vụ cấp dưỡng được thực thi hiệu quả hơn trên thực tế như sau:

Một là, ghi nhận quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thi hành án cấp dưỡng cho con phải thực hiện nghĩa vụ. Quyền này được quy định cụ thể tại Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Hai là, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, tại Điều 57 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc thực hiện nghĩa vụ theo quy định.

Ba là, chế tài xử lý hình sự được cụ thể tại Điều 186 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung tại khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017, người có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

4. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Bộ luật Hình sự năm 2015;
  • Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017;
  • Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
  • Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021;
  • Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006;
  • Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/5/2024.

Quý khách hàng cần hỗ trợ pháp lý vui lòng liên hệ trực tiếp qua số điện thoại  0907215757  để được hỗ trợ.

−−−−−−−−−−−*********−−−−−−−−−−−

CÔNG TY LUẬT TNHH ATG

Địa chỉ tại: Số 29 Hòa Minh 14, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng 

VPGD: Số 186 đường 30 tháng 4, P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, Tp. Đà Nẵng

Điện thoại: 0907215757

Email: luatsuatg@gmail.com

Trang cá nhân:  https://www.facebook.com/profile.php?id=100092033972393


 

 
 
https://zalo.me/0907215757