Mỗi con người sinh ra đều có quyền được đặt cho mình một cái tên và được pháp luật ghi nhận trong giấy khai sinh. Xét về tập quán, truyền thống của người Việt Nam ta từ bao đời nay, con cái sinh ra thường được đặt theo họ của cha và tất nhiên ở đây không loại trừ trường hợp cha mẹ được quyền tự thỏa thuận với nhau về họ của con mình. Vậy, trong trường hợp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn thì pháp luật có cho phép con được khai sinh theo họ của cha không?
Trong bài viết này, Luật sư ATG sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật trong nội dung đăng ký khai sinh cho con khi chưa đăng ký kết hôn.
1. Quyền được khai sinh và có họ tên
Căn cứ Điều 13 Luật trẻ em năm 2016 và khoản 1 Điều 30 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì từ khi sinh ra, trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính.
Theo Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền có họ, tên của công dân như sau:
- Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
- Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.
- Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
- Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
- Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình.
- Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Như vậy, pháp luật Việt Nam quy định việc khai sinh và có họ tên là quyền của công dân. Cha đẻ, mẹ đẻ có thể thỏa thuận với nhau để xác định họ của con theo cha hay mẹ. Nếu cha mẹ không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp, trẻ em sinh ra nhưng chưa xác định được cha đẻ thì họ của con sẽ được xác định theo họ của mẹ đẻ và tiến hành thực hiện thủ tục khai sinh theo quy định.
2. Con có được mang họ cha khi cha mẹ chưa đăng ký kết hôn?
Như đã nói trên, họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con sẽ được xác định theo họ của mẹ đẻ. Đồng thời, khi đăng ký khai sinh cho trẻ mà chưa xác định được cha thì họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con sẽ được xác định theo mẹ, phần ghi thông tin về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh sẽ để trống theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có nêu: Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh;
Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Thông tư 04/2020/TT-BTP.
Như vậy, họ của con sẽ theo cha hoặc mẹ căn cứ vào thoả thuận của cha, mẹ. Bởi vậy, nếu cha mẹ chưa kết hôn nhưng có thoả thuận con mang họ cha thì khi thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cần kết hợp với thủ tục đăng ký nhận cha, con. Hoặc trường hợp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn và con sinh ra chưa đăng ký khai sinh mà vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì đứa trẻ vẫn có quyền được khai sinh cho con theo họ của cha mà không cần làm thủ tục nhận cha con.
3. Trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp với đăng ký nhận cha con
Khi chưa đăng ký kết hôn mà muốn khai sinh cho con có họ, tên cha thì cần tiến hành làm đồng thời thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục nhận cha con.
Tại Điều 91 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền nhận con:
1. Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết.
2. Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia.
Lưu ý:
- Bên nhận và bên được nhận là cha, mẹ, con đều còn sống;
- Việc nhận cha, mẹ, con không có tranh chấp.
- Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
* Trường hợp 1: Đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha con trong nước
Trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, con trong nước theo quy định Điều 16, 25 Luật Hộ tịch năm 2014 và Điều 14, 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, con thì người có yêu cầu nộp 01 bộ hồ sơ tại Bộ phận 1 cửa của UBND cấp xã/ phường nơi cư trú của cha hoặc mẹ và nộp lệ phí nếu thuộc trường hợp phải nộp lệ phí đăng ký khai sinh, đăng ký nhận cha, mẹ, con; nộp phí cấp bản sao Giấy khai sinh, Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con nếu có yêu cầu cấp bản sao Giấy khai sinh, Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Hồ sơ gồm:
- Tờ khai đăng ký nhận cha con và Tờ khai đăng ký khai sinh;
- Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh như: Văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con gồm:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con.
+ Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha con theo quy định thì các bên nhận cha con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha con theo quy định, chịu trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật và có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ này.
- Bản sao chứng thực căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh và đăng ký nhận cha, mẹ, con.
- Giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú trong trường hợp cơ quan đăng ký hộ tịch không thể khai thác được thông tin về nơi cư trú của công dân như:
+ Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;
+ Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;
+ Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp;
+ Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý
- Cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, thống nhất, hợp lệ của hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, có Phiếu hẹn, trả kết quả cho người có yêu cầu, đồng thời chuyển hồ sơ để công chức làm công tác hộ tịch xử lý.
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa thực hiện số hóa (sao chụp, chuyển thành tài liệu điện tử trên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu) và ký số vào tài liệu, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo quy định.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì có thông báo cho người yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung để người có yêu cầu bổ sung, hoàn thiện. Sau khi hồ sơ được bổ sung, thực hiện lại bước (i);
Trường hợp người có yêu cầu đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ thì báo cáo Trưởng bộ phận một cửa có thông báo từ chối giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con.
- Công chức tư pháp - hộ tịch thẩm tra hồ sơ (thẩm tra tính thống nhất, hợp lệ của các thông tin trong hồ sơ, giấy tờ, tài liệu do người yêu cầu nộp, xuất trình hoặc đính kèm).
+ Trường hợp hồ sơ cần bổ sung, hoàn thiện hoặc không đủ điều kiện giải quyết, phải từ chối thì gửi thông báo về tình trạng hồ sơ tới Bộ phận một cửa để thông báo cho người nộp hồ sơ bổ sung hoặc từ chối giải quyết yêu cầu.
+ Trường hợp cần phải kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do nguyên nhân khác mà không thể trả kết quả đúng thời gian đã hẹn thì công chức tư pháp - hộ tịch lập Phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả, trong đó nêu rõ lý do chậm trả kết quả và thời gian hẹn trả kết quả, chuyển Bộ phận một cửa để trả cho người có yêu cầu;
+ Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện việc ghi vào Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, Sổ đăng ký khai sinh, cập nhật thông tin đăng ký khai sinh, đăng ký nhận cha, mẹ, con và lưu chính thức trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, chuyển thông tin đến CSDLQGVDC để lấy Số định danh cá nhân.
Thời gian thực hiện là 03 ngày làm việc, trường hợp phải xác minh thì không quá 08 ngày làm việc.
Bước 3: Trả kết quả
Sau khi CSDLQGVDC trả về Số định danh cá nhân, công chức tư pháp - hộ tịch in Giấy khai sinh, Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con, trình Lãnh đạo UBND ký, chuyển tới Bộ phận một cửa trả kết quả cho người có yêu cầu.
Người có yêu cầu đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con (cả hai bên phải có mặt, xuất trình giấy tờ tuỳ thân để đối chiếu) kiểm tra thông tin trên Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con, Giấy khai sinh, trong Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, Sổ đăng ký khai sinh và ký tên vào Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, Sổ đăng ký khai sinh, nhận Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con, Giấy khai sinh.
* Trường hợp 2: Đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, con có yếu tố nước ngoài
Trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, con có yếu tố nước ngoài theo quy định Điều 36, 44 Luật Hộ tịch năm 2014 và Điều 14, 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người có yêu cầu đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con nộp hồ sơ đăng ký khai sinh và đăng ký nhận cha, mẹ, con tại Bộ phận một cửa/Trung tâm hành chính công của UBND cấp quận/ huyện có thẩm quyền; nộp lệ phí nếu thuộc trường hợp phải nộp lệ phí đăng ký khai sinh, đăng ký nhận cha, mẹ, con; nộp phí cấp bản sao Giấy khai sinh, Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con nếu có yêu cầu cấp bản sao Giấy khai sinh, Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Hồ sơ gồm:
- Tờ khai đăng ký nhận cha con và Tờ khai đăng ký khai sinh;
- Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh như:
+ Trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có văn bản của người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
+ Trường hợp trẻ em sinh ra tại nước ngoài thì nộp Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con (nếu có).
- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con gồm:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con.
+ Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha con theo quy định thì các bên nhận cha con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha con theo quy định, chịu trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật và có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ này.
- Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha, mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con. Trường hợp cha, mẹ lựa chọn quốc tịch nước ngoài cho con, thì ngoài văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch còn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nước mà trẻ được chọn mang quốc tịch về việc trẻ có quốc tịch phù hợp quy định của pháp luật nước đó.
- Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, thống nhất, hợp lệ của hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, có Phiếu hẹn, trả kết quả cho người có yêu cầu, đồng thời chuyển hồ sơ để công chức làm công tác hộ tịch xử lý.
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa thực hiện số hóa (sao chụp, chuyển thành tài liệu điện tử trên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu) và ký số vào tài liệu, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo quy định.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì có thông báo cho người yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung để người có yêu cầu bổ sung, hoàn thiện.
Trường hợp người có yêu cầu đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ thì báo cáo Trưởng bộ phận một cửa có thông báo từ chối giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con.
- Công chức làm công tác hộ tịch thẩm tra hồ sơ (thẩm tra tính thống nhất, hợp lệ của các thông tin trong hồ sơ, giấy tờ, tài liệu do người yêu cầu nộp, xuất trình hoặc đính kèm).
+ Trường hợp hồ sơ cần bổ sung, hoàn thiện hoặc không đủ điều kiện giải quyết, phải từ chối thì gửi thông báo về tình trạng hồ sơ tới Bộ phận một cửa để thông báo cho người nộp hồ sơ để bổ sung hoặc thông báo từ chối giải quyết yêu cầu.
+ Trường hợp cần phải kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do nguyên nhân khác mà không thể trả kết quả đúng thời gian đã hẹn thì công chức làm công tác hộ tịch lập Phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả, trong đó nêu rõ lý do chậm trả kết quả và thời gian hẹn trả kết quả, chuyển Bộ phận một cửa để trả cho người có yêu cầu;
+ Công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
+ Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, thì công chức làm công tác hộ tịch thực hiện việc ghi vào Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, Sổ đăng ký khai sinh, cập nhật thông tin đăng ký khai sinh, đăng ký nhận cha, mẹ, con và lưu chính thức trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung. Trường hợp cha, mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con thì chuyển thông tin đến CSDLQGVDC để lấy Số định danh cá nhân.
Thời gian thực hiện là 15 ngày làm việc.
Bước 3: Trả kết quả
- Sau khi CSDLQGVDC trả về Số định danh cá nhân, công chức làm công tác hộ tịch in Giấy khai sinh, Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con, trình Lãnh đạo UBND ký, chuyển tới Bộ phận một cửa trả kết quả cho người có yêu cầu.
- Người có yêu cầu đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con (cả hai bên phải có mặt, xuất trình giấy tờ tuỳ thân để đối chiếu) kiểm tra thông tin trên Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con, Giấy khai sinh, trong Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, Sổ đăng ký khai sinh và ký tên vào Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, Sổ đăng ký khai sinh, nhận Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con, Giấy khai sinh.
Quý khách hàng cần hỗ trợ pháp lý vui lòng liên hệ trực tiếp qua số điện thoại 0907215757 để được hỗ trợ.
−−−−−−−−−−−*********−−−−−−−−−−−
CÔNG TY LUẬT TNHH ATG
Địa chỉ tại: Số 29 Hòa Minh 14, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng
VPGD: Số 186 đường 30 tháng 4, P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, Tp. Đà Nẵng
Điện thoại: 0907215757
Email: luatsuatg@gmail.com
Trang cá nhân: https://www.facebook.com/profile.php?id=100092033972393