VietTimes – Đó là chia sẻ của luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH ATG - về vụ án mua bán dữ liệu tài khoản ngân hàng vừa được Công an TP Đà Nẵng triệt phá.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH ATG |
Công an TP Đà Nẵng vừa bóc gỡ đường dây mua bán dữ liệu cá nhân tài khoản ngân hàng liên quan đến hàng loạt ngân hàng trên cả nước, đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Trước thông tin này, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH ATG - về những vấn đề pháp lý liên quan.
- Thưa luật sư! Vụ án mua bán dữ liệu cá nhân tài khoản ngân hàng liên quan đến hàng loạt ngân hàng trên cả nước đang là mối quan tâm của dư luận và là vụ án lớn, chưa từng có. Ông có thể cho biết hành vi mua bán này vi phạm pháp luật Việt Nam như thế nào?
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Dữ liệu cá nhân của khách hàng là thông tin vô cùng quan trọng và cần phải được bảo mật ở cấp độ cao đối với tất cả các ngân hàng khi khách hàng đã tin tưởng để mở tài khoản.
Việc tiết lộ, mua bán dữ liệu cá nhân tài khoản ngân hàng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Hành vi này không chỉ xâm phạm đến quyền riêng tư, cá nhân của người khác, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tiền tệ, trật tự, an toàn xã hội.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, hành vi trên sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 5, khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015.
- Hành vi này có khung hình phạt ra sao, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Theo quy định tại khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 5, khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, thì việc mua bán thông tin tài khoản ngân hàng với số lượng dưới 10 tài khoản sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Còn khi mua bán với số lượng từ 10 tài khoản trở lên, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Hành vi trao đổi, mua bán với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản, hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được quy định tại Điều 291 BLHS 2015 về “Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.
Theo đó, “người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.
Bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, nếu có hành vi: Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản; thu thập có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm.
Mức phạt cao nhất của tội này từ 2 năm đến 7 năm tù, hoặc phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng khi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên và thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung với hình thức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, đối với tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng thì mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm, hoặc bị áp dụng phạt tiền với số tiền 500.000.000 đồng.
- Theo luật sư, trách nhiệm của các ngân hàng có nhân viên tham gia mua bán, cung cấp dữ liệu tài khoản khách hàng trong vụ án này ra sao?
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Việc nhân viên ngân hàng trực tiếp sử dụng tài khoản được ngân hàng cấp cho mình, đăng nhập vào hệ thống nội bộ ngân hàng để tra soát thông tin, sau đó thực hiện hành vi mua bán dữ liệu cá nhân tài khoản ngân hàng, cho thấy đây là lỗi của chính nhân viên ngân hàng, chứ không phải lỗi của ngân hàng.
Nhưng sau sự việc này, ngân hàng cần truyền thông đến nhân viên về ý thức bảo mật thông tin khách hàng và các quy định về đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, ngân hàng cần đầu tư, nâng cấp hệ thống quản lý dữ liệu, thông tin khách hàng, đưa ra các quy chế phân cấp bậc, thẩm quyền quản lý hệ thống thông tin khách hàng để dễ kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu bất thường như việc đăng nhập, truy cập vào hệ thống ngân hàng.
- Có nhân viên vi phạm, các ngân hàng này có bị truy cứu trách nhiệm không, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Ngân hàng là pháp nhân thương mại và theo quy định của pháp luật hiện hành thì các pháp nhân thương mại sẽ bị xem xét, xử lý ở 33 tội danh quy định cụ thể tại Điều 76 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Mặc dù trong các quy định trên không đề cập đến “Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”, tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét đến trách nhiệm của những người liên quan, người đứng đầu các ngân hàng trong việc để xảy ra các sai phạm và có phương án xử lý theo quy định.
Trong vụ việc này, một số nhân viên ngân hàng tiếp tay cho các đối tượng xấu để mua bán thông tin dữ liệu cá nhân khách hàng, thì chính nhân viên đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Và khi nhân viên ngân hàng có hành vi mua bán tài khoản ngân hàng có đủ để cấu thành tội phạm theo quy định của Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhưng nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 5, khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.
Ngoài ra, trường hợp nhân viên ngân hàng có hành vi giúp sức, tạo điều kiện cho người phạm tội thực hiện tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm được quy định tại khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Hồ Xuân Mai - Viettimes !