Theo Đoàn Cường: Báo Tuổi trẻ

 

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho dân thế nào khi công chứng viên trong vụ “Nguy cơ mất trắng tiền vì công chứng ẩu” đã thôi việc.

Công chứng ẩu đẩy dân đến nguy cơ mất trắng tiền: Chữ quá nhỏ không thấy! - Ảnh 1.

Ông Thiện cho biết ông đã gửi đơn đến lần thứ 17 trong nhiều năm qua - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Công chứng viên đã thôi việc

Liên quan vụ ông Võ Văn Thiện (trú Đà Nẵng) có "nguy cơ mất trắng tiền tỉ vì công chứng ẩu", phóng viên đã liên hệ Phòng công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam về việc thi hành án nhưng lãnh đạo đơn vị này từ chối và nói liên hệ sở.

Còn theo tìm hiểu, bản án dân sự thể hiện công chứng viên N.Đ.B. của Phòng công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam trình bày tại các lời khai có trong hồ sơ vụ án thì sau khi tiếp nhận, kiểm tra các giấy tờ liên quan đều hợp pháp nên ông B. đã công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Tuy nhiên quá trình kiểm tra hồ sơ, ông B. không phát hiện phần cuối của giấy chứng nhận có ghi chú: "Tiền sử dụng đất được nộp chậm đến ngày 30-7-2007" vì phần ghi chú chữ quá nhỏ.

Theo quy định, nếu còn nợ tiền sử dụng đất của Nhà nước thì không đủ điều kiện chuyển nhượng…

Theo nguồn tin, ông B. đã xin thôi việc tại Phòng công chứng số 1 và chuyển đến ở địa phương khác.

Công chứng ẩu đẩy dân đến nguy cơ mất trắng tiền: Chữ quá nhỏ không thấy! - Ảnh 2.

Dòng ghi chú phía bên trái của "sổ đỏ" - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Mới đây, một trong những nội dung của thông báo kết luận buổi tiếp công dân định kỳ tháng 9-2024, chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu:

Cục Thi hành án dân sự tỉnh có trách nhiệm nghiên cứu các biện pháp để tổ chức thi hành án hiệu quả; chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các tài sản, nguồn tiền hiện có của Công ty Chí Thành đảm bảo điều kiện để thực hiện việc kê biên, thi hành án theo quy định.

Đối với số tiền hơn 436 triệu đồng của Phòng công chứng số 1, giao Cục Thi hành án dân sự làm việc với các đơn vị Sở Tư pháp, Tài chính, Kho bạc để xử lý thi hành án.

Sở Tư pháp tăng cường trách nhiệm trong việc chỉ đạo, đôn đốc Phòng công chứng số 1 nghiêm túc thi hành bản án, xây dựng phương án, giải pháp bồi hoàn thiệt hại cho ông Thiện theo nội dung bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với công chứng viên, các cá nhân liên quan đến vụ việc tại phòng công chứng này theo quy định...

Ai bồi thường thiệt hại cho dân?

Đề cập vấn đề trên, theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Đoàn luật sư Đà Nẵng, việc bồi thường trong hoạt động công chứng được quy định cụ thể tại điều 38 Luật Công chứng 2014:

Việc bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên thì tổ chức hành nghề công chứng sẽ đứng ra chi trả.

Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả bồi thường. Nếu không hoàn trả, tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.

Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong quá trình thực hiện công việc: "Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định".

Như vậy, nếu xảy ra thiệt hại lỗi do công chứng viên vi phạm dẫn đến bồi thường hợp đồng công chứng, người đứng ra chi trả bồi thường cho khách hàng sẽ là tổ chức hành nghề công chứng. 

Sau khi thực hiện bồi thường, tổ chức hành nghề công chứng có thể yêu cầu nhân viên của mình chi trả lại. Nếu họ không chi trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền khởi kiện ra tòa.

 
 
https://zalo.me/0907215757